Sau khi đạt mức tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu (XK) cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU bắt đầu sụt giảm liên tục trong các tháng cuối năm. Riêng trong quý IV/2024, kim ngạch XK cá ngừ đóng hộp đạt gần 17 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, tổng giá trị XK mặt hàng này sang EU đạt gần 74 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với năm 2023.
Đức dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ đóng hộp
Trong năm 2024, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Italy và Romania là năm thị trường nhập khẩu (NK) cá ngừ đóng hộp lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70% tổng kim ngạch XK.
Đức tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường XK cá ngừ đóng hộp hàng đầu của Việt Nam tại EU. Đây cũng là thị trường có nhu cầu ổn định với các đơn hàng được duy trì đều đặn qua từng tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng XK sang Đức có xu hướng chậm lại do tác động từ đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế.
Trái ngược với thị trường Đức, XK cá ngừ đóng hộp sang Ba Lan ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2024, giá trị XK sang Ba Lan đạt hơn 6 triệu USD, tăng 48% so với năm trước, dù vẫn chưa duy trì được sự ổn định về số lượng đơn hàng.
Ngược lại, XK sang Hà Lan và Italy lại có xu hướng giảm. Năm 2024, XK sang hai thị trường này lần lượt giảm 2% và 13%, trong bối cảnh đơn hàng không ổn định.
Những khó khăn trong XK cá ngừ đóng hộp sang EU
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân chính khiến XK cá ngừ đóng hộp sang EU gặp khó khăn trong năm 2024 là tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu có xuất xứ thuần túy (được đánh bắt bởi tàu cá trong nước).
Sự khó khăn này xuất phát từ việc Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/5/2024 với quy định về kích thước tối thiểu đối với một số loài hải sản, bao gồm cá ngừ vằn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả ngư dân lẫn doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực tài chính lên chuỗi cung ứng cá ngừ.
Nhiều lô hàng nguyên liệu khai thác tại các tỉnh liên quan đến quy định này bị tạm ngưng hoặc gặp vướng mắc trong thủ tục XK do các cảng cá và cơ quan chức năng chưa thể cấp giấy chứng nhận S/C, C/C. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ lỡ đơn hàng cá ngừ đóng hộp đã ký kết, một số hợp đồng còn bị khách hàng yêu cầu dừng hoặc phạt do chậm tiến độ. Ngư dân cũng gặp khó khăn khi thương lái không dám thu mua nguyên liệu, dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến kế hoạch ra khơi.
Ngoài ra, đối với các đơn hàng XK sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Điều này làm giảm tính cạnh tranh của cá ngừ đóng hộp Việt Nam tại thị trường EU.
Thêm vào đó, danh mục các loài thủy sản được phép kinh doanh theo Phụ lục IV của Nghị định 37/2024/NĐ-CP vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi. Một số cơ quan và tổ chức chịu trách nhiệm gặp khó khăn trong việc áp dụng quy định, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và XK của doanh nghiệp.
Triển vọng và kỳ vọng điều chỉnh chính sách
Bước sang năm 2025, dù hạn ngạch ưu đãi thuế quan dành cho cá ngừ đóng hộp XK sang EU đã được khởi động lại, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp trở ngại do những vấn đề kể trên. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp XK cá ngừ đóng hộp đang mong chờ Chính phủ sớm có những điều chỉnh và sửa đổi đối với các nghị định trong lĩnh vực thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho XK sang thị trường EU.
Nguồn VASEP